Nơi mảnh đất biên cương gắn với lịch sử oai hùng chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi của các dân tộc nơi thượng nguồn xứ Nghệ. Cũng chính nơi đây còn lưu giữ nhiều câu chuyện huyền thoại về lịch sử khai đất, dựng Bản, lập Mường của các bậc tiền bối. Bề dày lịch sử hàng nghìn năm gắn với bản sắc văn hoá đang được khơi dậy với phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “xây dựng nếp sống văn hoá nơi cộng đồng dân cư”. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương V khoá VIII, các đồng bào nơi thường nguồn đang ngày càng tô thêm vẽ đẹp về đất nước, và con người, vùng thượng nguồn xứ Nghệ “Quế Phong quê em nơi ngòn nguồn sông Hiếu, Quế Phong quê em đẹp nghĩa đẹp tình”.
Đến với Quế Phong, ít ai nghĩ rằng đây lại là một vùng đất sơn cước, bởi khung cảnh ở đây sơn thuỷ hữu tình. Quế Phong là vùng đất nơi thượng nguồn của Nghệ An, có 7 con sông phân bố đều trên diện tích toàn huyện, là phụ lưu của hai con sông lớn là sông Chu và sông Hiếu. Hàng năm, khi những cơn lũ hung dữ kéo về không ít tai hoạ, nhưng ngược lại, các dòng sông cũng ban tặng cho Quế Phong những cánh đồng phù sa tươi tốt. Những mùa lúa bội thu, những cánh đồng ngô bạt ngàn đến tận chân núi. Hơn hai nghìn hec ta ruộng nước, mỗi năm hai vụ lúa, cung cấp cho Quế Phong hàng trăm tấn lương thực. Và dưới những dòng sông hiền hoà lại có vô số các loài thuỷ sản. Các loại đặc sản như cá mát, cá lăng, cá chình không bao giờ thiếu nơi mảnh đất thượng nguồn xứ Nghệ này.
Quế Phong có con sông Nậm Quàng, con sông mang vẻ đẹp thơ mộng, dòng nước trong xanh lững lờ chảy qua vùng Quang Phong, Cắm Muộn (Cắm Muộn cũ) “Cắm Muộn” tiếng Thái có nghĩa là tiếng nói hay quý như vàng “một lời nói một gói vàng”, chỉ cư dân ở đây ăn nói lời hay ý đẹp. Nậm Quàng, là con sông Bạc chảy giữa vùng đất Vàng Quang Phong và Cắm Muộn, rồi xuôi về dòng sông Hiếu. Dưới lòng đất vùng Quang Phong, Cắm Muộn có một trữ lượng vàng khá lớn. Hiện nay nhiều công ty khai khoáng đang mơ ước được vào đây khai thác.
Cận sông, cận suối cho phép bà con Quế Phong tạo nên hàng nghìn ao hồ nuôi cá, nuôi ba ba và các loài thuỷ sản khác. Quế Phong luôn giàu đặc sản, cộng với lòng hiếu khách của bà con, đã để lại những ấn tượng khó phai với những ai đã một lần về thăm mảnh đất này. Đến Quế Phong, mọi người sẽ được thưởng thức rượu cần, loại rượu làm bằng nếp cẩm còn ngây ngất hương gạo mới, cùng với cái ngọt dìu dịu của loại rượu được làm bằng men tự chế của bà con các dân tộc anh em, nó làm vơi đi cơn khát của lữ khách lúc trưa hè oi ả. Cùng với điệu lăm vông giàu bản sắc văn hoá vùng thượng nguồn là bài hát “ mời rượu cần” bày tỏ sự chân tình và gợi cảm của các cô gái Thái.
Quế Phong có diên tích rựng tự nhiên khá lớn. Trong đó có hàng nghìn hec ta đất lâm nghiệp. Quế Phong là địa bàn được hưởng lợi từ các khu rựng nguyên sinh, đặc biệt là khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Những nơi này còn giữ được vẻ nguyên sơ của núi rừng. Hàng trăm hec ta rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý nằm trong sách đỏ thế giới. Đó là pơ mu, sa mu, Lim, Lát hoa, đinh hương, xến, tấu, kim giao… cùng với nhiều lâm đặc sản, dược liệu quý hiếm như sa nhân, Hà thủ ô, nhân trần, sâm, câu y, mộc nhĩ, nấm hương… Không những thế, nơi đây còn bảo tồn được nhiều loài đông vật quý hiếm.
Là một huyện rẻo cao nơi thượng nguồn, địa hình rừng núi bị chia cắt cùng với nhiều núi đá vôi, lèn đá, tạo nên những hang động có vẻ đẹp nổi tiếng như Thẳm Mẹ Mọn, Thẩm Binh, Thẩm Nậm, Thẳm Chàng ở vùng Quang Phong, Cắm Muộn.
Cùng với những công cụ sản xuất thô sơ mà bà con còn lưu giữ, những cọn nước (guồng nước) ngày đêm miệt mài đổ nước lên những cánh đồng, những chiếc cối gạo nương dùng sức nước cần mẫn đem lại cho bà con những hạt gạo trắng ngần mà không mất sức xay giã. Những vật dụng cổ truyền này đang góp phần tạo nên một vẻ đẹp thơ mộng mang chút hoang sơ mà chỉ ở miền sơn cước mới có.
Huyện Quế Phong có bốn con thác lớn, đó là thác Tả Pấng, thác 9 tầng, thác Sao Va (Hạnh Dịch) và thác Hữu Văn (Hưu Văn). Vào những ngày hè oi nóng này, Quế Phong đang giữa mùa tắm thác, các dòng thác này ngày đêm ca hát, vang vọng những lời giao duyên… dòng thác tuôn xả như mái tóc trắng muốt của các nàng tiên nữ, buông dài như dải lụa, bồng bềnh giữa màu xanh của thượng nguồn. Một món quà tặng độc đáo của thiên nhiên, không phải nơi nào cũng có được. Thác Sao Va có cái hồ nước lớn nơi chân thác. Hồ nước này nhìn có vẻ hiền từ nhưng lại có độ sâu ít ai đo được. Theo bà con ở đây kể lại, hồ nước này có độ sâu hai mươi sải tay, tương đương với ba mươi mét . ở độ sâu ba mươi mét, với con người bình thường, không có thiết bị lặn hỗ trợ thì không thể xuống được tới đáy hồ. Vì vậy, dưới đáy hồ này như thế nào cũng chỉ là phỏng đoán của bà con ở đây. Bởi thực sự chưa có ai lặn xuống đến đáy hồ. Đến đây nhìn hồ nước, nếu thả dòng tư duy ngược thời gian về theo năm tháng, chúng ta sẽ thấy hồ nước này có nhiều điều thật khó hiểu.
Hàng năm, về mùa mưa lũ, nơi thượng nguồn sẽ có lũ lớn đổ về, cùng với độ dốc hai bên sườn núi sẽ làm cho đất đá lở xuống và tấp về hồ nước này không ít. và đã có đến hàng triệu trận lũ lớn chảy qua nơi hồ nước này trong hàng nghìn năm về trước. Nhưng số đá lớn đó xuống hồ rồi trôi đi đâu, về đâu? Mà hồ nước vẫn xanh trong thăm thẳm, đây thực sự là một điều bí hiểm. Hiện nay, hồ nước này ngày ngày vẫn cung cấp cho bà con một nguồn thức ăn không ít. Cá ở các khe suối nơi thượng nguồn của Quế Phong khá dồi dào, chỉ cần có biện pháp bảo vệ tốt thì trong vài ba năm là số lượng cá tăng lên đáng kể. Lúc ấy, nghề câu cá lại là một thú vui được nhiều người ưa chuộng.
Thác Sao Va một dòng thác mang nhiều câu chuyện huyền thoại và vẻ đẹp của nó cũng thật đắm say lòng người. Dòng thác cao nhưng không dữ dằn, thậm chí còn mềm mại như mái tóc của một cô gái ở tuổi trăng tròn.
Mùa hè du khách đến đây, được thả mình trong dòng suối mát, được ngắm thác Sao Va và ăn đặc sản núi rừng, nhím, lợn ri, mang, vịt bầu Cắm Muộn, thịt gà đen Tri Lễ, lợn nít, cơm lam… thật lý tưởng cho những ai mang ý định ngược nguồn.
Quế Phong, nơi sơn cùng thuỷ tận về phía Tây Nghệ An. Nơi có núi non trùng điệp. Với những dãy Huồi Ho, Con Cặm nối sang dãy Pù Canh Quái có đỉnh Phả Cà Tủn cao gần 2.500 mét, bốn mùa mây phủ. Lắm thác nhiều ghềnh, cùng với những vực sâu thăm thẳm. Biết bao điều kỳ thú của thiên nhiên đã dệt nên nhiều truyền thuyết, nhiều câu chuyện huyền thoại. Và chính nơi mảnh đất thượng nguồn này cũng đã lưu giữ được nhiều câu chuyện mang đậm bản sắc văn hoá vùng miền. Câu chuyện đậm nét nhất và được tổ chức thành lễ hội hàng năm là câu chuyện về đền Chín gian. Một ngôi đền mang tính lịch sử của một tộc người, gắn với truyền thống chống giặc ngoại xâm của các bậc tiền bối nơi rừng thiêng núi thẳm này.
Ngôi đền chín gian nằm trên địa phận xã Châu Kim. Ngôi đền được chuyển dời về đây từ thế kỷ 18. Con số chín biểu thị cho chín Mường đoàn kết gắn bó bên nhau chống chọi với thiên nhiên, đánh giặc ngoại xâm bảo vệ một dải biên thuỳ rộng lớn nơi cửa ngõ miền Tây xứ Nghệ.
Câu chuyện về ngôi đền được bắt đầu từ ngọn núi Pú Chợ Nhạng, nằm trên dãy Pù Canh Quái mang đầy màu sắc huyền bí. Cách đây khoảng tám trăm năm, vào đầu thế kỷ 14, có một người tộc trưởng tên là Tạo Ló ỳ, ông đứng ra mở đất lập Mường. Đứng trước cảnh núi non hiểm trở, vũ trụ bao la, rừng đầy thú dữ, sông lắm thuỷ quái, ông thấy con người thực sự quá bé nhỏ và cái mạng sống thật mong manh. Để có thêm dũng khí khai khẩn vùng đất mới, Tạo Ló ỳ đã lập đền thờ cầu xin Ngọc Hoàng và Công chúa nhà Trời phù hộ. Sau khi làm ăn phát đạt, sinh được con đàn cháu đống, Tạo Ló ỳ qua đời. Con cháu các đời sau tiếp tục thờ ông, người đã có công khai bản, lập mường. Từ đó ngôi đền bắt đầu thờ ba vị: Đó là Ngọc Hoàng, Công chúa nhà Trời và Tạo Ló ỳ. Sau khi lập đền thờ, Tạo Ló ỳ gặp được mưa thuận, gió hoà, con cháu sinh sôi nảy nở. Họ mở rộng vùng lãnh thổ ra tận chín Mường. Ngày lễ tế, mỗi Mường thờ một gian. Gian chính là của mường gốc, gọi là Mường Tôn.
Đến đời cháu là Tào Hiền, vào thế kỷ 18. Ngôi đền được chuyển về núi Pù Quái hay còn gọi là Pú Cắm. Tiếng Thái là núi Vàng. Ngôi đền được chuyển từ núi Pú Chợ Nhạng về Châu Kim là cả một câu chuyện truyền thuyết mang đậm nét tâm linh của bà con dân tộc Thái Tây Bắc Nghệ An. Đến bây giờ câu chuyện vẫn được lưu truyền trong dân gian của vùng thượng nguồn này.
Ngôi đền được chuyển dời về đây từ thế kỷ 18, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cùng với những năm tháng chiến tranh ác liệt, ngôi đền chỉ còn là dấu tích. Năm 2004, thể theo nguyện vọng của bà con các dân tộc nơi miền Tây xứ Nghệ. Ngôi đền được tôn tạo dựa trên khuôn mẫu của ngày xưa. Đền kiến trúc kiểu nhà sàn, sử dụng gỗ lim, đền có Chín gian đại diện cho chín mường. Đứng đầu là Mường Tôn, ngoài ra còn Mường Chón, Mường Quáng, Mường Hin, Mường Puộc, Mường Miễng, Mường Chứn và Mường Pắn, Mường Chòng. Tục của đền là hiến trâu. Vào ngày lễ hàng năm từ 13 đến 15 tháng hai âm lịch, mỗi Mường tế một con trâu. Trước khi làm lễ hiến tế, bà con phải mời thầy mo về làm đầy đủ thủ tục lễ nghi. Theo phong tục ngày trước, mỗi Mường thờ một con trâu, ngày nay, phần lễ vẫn được đảm bảo đúng nghi thức cổ truyền song thực hành việc tiết kiệm nên lễ hội chỉ tế có một con trâu chung cho cả chín Mường.
Đền Chín gian được kiến trúc theo phong tục truyền thống Thái cổ. Ngôi đền toạ lạc trên một vị trí thuận lợi. Lưng đền dựa vào dãy Pù Canh Quái, toàn bộ mặt tiền của đền là cánh đồng ruộng bao la, có con sông Nậm Giải uốn khúc chảy qua. Xa xa là dãy núi bao bọc, cùng với các bản làng sầm uất, bốn mùa no đủ. Ngôi đền nằm trên ngọn đồi cạnh con đường quốc lộ 48, thuận tiện cho du khách bốn phương về vãn cảnh, xin lộc may mắn. Đền Chín gian mang đậm nét tâm linh nên không chỉ ngày lễ hội, mà hàng năm những ngày lễ, tết, mồng một, ngày rằm hàng tháng, nơi đây đón nhận không ít du khách thập phương về thăm.
Lễ hội đền chín gian được tổ chức tạo nên một phong trào uống nước nhớ nguồn, cũng là dịp để bà con ôn lại truyền thống cha ông khai đất lập mường, truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi. Lễ hội hàng năm được du khách về đây thắp nén hương cầu xin may mắn, cầu cho mưa thuận gió hoà. Ngoài ra lễ hội còn là dịp để trai thanh nữ tú gặp nhau.
Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò vui chơi đặc sắc, nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ góp phần khôi phục bản sắc văn hoá vùng miền. Sau 7 năm khôi phục lễ hội, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi dân gian mang đặc trưng của nền văn hoá Thái cổ được bảo tồn và không ngừng phát triển.
Lễ hội tạo được phong trào văn hóa văn nghệ trong nhân dân chín bản, mười mường đều tập luyền được các tiết mục hay….các trò chơi dân gian được khôi phục…tạo không khí phấn khởi tác động vào sản xuất…
Việc duy trì và phát triển bản sắc văn hoá ở Quế Phong đã từng ngày góp phần làm giàu về mặt vật chất, cổ vũ về mặt tinh thần cho anh em các dân tộc miền tây Nghệ an, nền văn hoá này sẽ không ngừng được củng cố và phát huy khi tiềm năng du lịch đang rộng mở nơi huyện vùng cao biên giới này.
Quế phong là một huyện giàu tiềm năng về nguồn điện năng. Hiện tại, Quế Phong có năm nhà máy thuỷ điện đang xây dựng. Một ngày không xa, Quế Phong sẽ có hàng nghìn hec ta lòng hồ ngập nước, cân bằng độ nóng cho miền Tây, tạo nên một vùng khí hậu lý tưởng. Cùng với việc mở mang giao thông đi khắp mọi vùng, mở ra một mạng lưới giao thông thuỷ - bộ hài hoà. Bên cạnh đó là vẻ đẹp sẵn có của thiên nhiên ban tặng, cùng với bản sắc văn hoá từ lễ hội đền Chín gian, giúp Quế Phong trở thành điểm du lịch hấp dẫn nơi vùng thượng nguồn cho du khách thập phương./.