Năm 2023, do nhuần 2 tháng 2 âm lịch, đền 9 gian chỉ tổ chức phần lễ, còn phần hội sẽ được tổ chức song song với dịp kỷ niệm 60 năm thành lập huyện Quế Phong 15/4/2023, trong háo hức của sắc xuân tháng 2, cảm tác nhớ về hội đền 9 gian.
Mùa xuân- mùa của lễ hội. Các cụ kể, đã mấy trăm năm từ khi có đền 9 gian, cứ vào trung tuần tháng 2 âm lịch mỗi năm, con cháu 9 mường lại nô nức về Quế Phong dự hội đền 9 gian. Nhưng rất tiếc mấy năm trở lại đây, do nhiều nguyên nhân, trong đó có 1 nguyên nhân chính là do eo hẹp về kinh tế mà hai năm mới tổ chức hội đền 1 lần, đặc biệt là trong 2 năm trở lại đây, do dịch bệnh covid19, chỉ tổ chức cúng lễ, mà không thể tổ chức phần hội, để con cháu, xa gần ngóng trông.
Đền chín gian được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV, đặt tại Pú Chờ Nhàng, thuộc bản Khoẳng xã Châu Kim- huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An.
Truyền thuyết kể rằng: Đền chín gian do một vị thần có tên là Tạo Lo Ỳ lập nên. Đền này trước đây thờ Thẻn Phà, (tức Ngọc Hoàng), và Náng Xỉ Đả(tức Thánh Mẫu đệ nhị công chúa).
Đến cuối thế kỷ XVIII, đền được chuyển đến Pú Pỏm, Pú Quái ( hay còn gọi là núi Trâu), thuộc bản Piêng Chào- xã Châu Kim- huyện Quế Phong- Tỉnh Nghệ An.
Do sinh sống bằng nông nghiệp, trong điều kiện phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Theo tín ngưỡng, Người Thái tin rằng, các thế lực siêu nhiên quyết định số phận của họ. Nếu như trên trời có Thẻn phà, là đấng cai quản trời đất, cai quản loài người và vạn vật, thì ở Trần gian, nơi nào cũng có các Phìa, các Tạo, là người giúp Thẻn Phà cai quản hạ giới. “Tạo Ló” là một trong những vị thần như vậy.
Sau khi Tạo mất, dân chúng đã đưa Tạo Ló vào thờ chung, để ghi nhớ công lao của Tạo Ló, người đã có công xây bản lập mường, tạo nên Mường Tôn, Mường gốc của huyện Quế Phong hôm nay.
Đền được lập thành có 9 gian, để con cháu 9 mường đến thờ cúng. Các Mường gồm: Mường Tôn, Mường Pắn, Mường Chừn, Mường Hin, Mường Puộc, Mường Quáng, Mường Ha Quèn, Mường Miểng và Mường Chón. Những Mường này bao gồm một phần của vùng Phủ Quỳ- thuộc huyện Nghĩa Đàn, một phần của huyện Quỳ Hợp, và huyện Quỳ Châu hôm nay.
Đền chín gian có từ đầu thế kỷ thứ XIV, được đặt trên núi “Bù Chờ Nhàng”- thuộc Bản Khoẳng- xã Châu Kim, nhưng do núi cao, đường khó đi, để tiện cho con cháu các huyện về cúng tế, đến cuối thế kỷ thứ XVIII, đền được chuyển về Pú Quái, hay còn gọi là núi Trâu, thuộc bản Piếng Chào ( nay là bản Kim Khê) xã Châu Kim- huyện Quế Phong- Nghệ An.
Lễ hội đền chín gian thường được tổ chức vào tháng 2 âm lịch đầu năm, với đầy đủ nghi thức và diễn ra trong 3 ngày, ngày thứ nhất là “Lễ khẩy quan”, ngày thứ hai là “Lễ đại tế”, ngày thứ 3 là “Lễ tạ”.
Đến năm 1872, đền 9 gian được tôn tạo lại, làm nhà sàn kê, có 4 hàng cột, làm bằng gỗ lim, mái lập tôn. Trải qua một thời gian dài, với những biến cố thăng trầm của lịch sử, đền chín gian bị xuống cấp, mai một và chỉ còn lại phế tích.
Nhằm bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc vùng tây bắc Nghệ An. Năm 2004, thực hiện NQ đại hội đảng bộ huyện Quế Phong khoá XVIII và thể theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc miền núi vùng tây xứ Nghệ, được sự giúp đỡ của sở văn hoá thông tin tỉnh Nghệ An, đền 9 gian được phục dựng, tôn tạo lại lần nữa.
Từ năm 2006-2011, UBND tỉnh cho phép huyện Quế Phong tổ chức lễ hội đền chín gian với quy mô cấp huyện. Lễ được tổ chức vào dịp đầu năm, từ ngày 14-15-16 tháng 2 âm lịch.
Cùng đi với phần lễ còn có phần hội, ở đó du khách sẽ được thưởng thức các món ăn như: Cơm lam, Họ Mọc, Cá khe nướng và những đặc sản nổi tiếng do bà con người Thái tự làm.
Việc thờ cúng trời đất, tổ tiên được bà con người Thái, thể hiện bằng nghi thức, lễ hội hàng năm, theo chu kỳ sản xuất nông nghiệp, nhằm cầu xin trời đất bảo hộ mùa màng, muôn người bình an. Tại hội đền, trống, cồng, chiêng, khắc luống được đánh suốt mấy ngày đêm. Âm vang của tiếng trống, tiếng chiêng đan xen, hoà quện, trộn lẫn, vang rộn khắp núi rừng, 1 lần nghe nhớ mãi./.