image banner
ĐỀN CHÍN GIAN LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA TÂM LINH
Đền chín gian là Đền truyền thống của người Thái

I. Đền chín gian là Đền truyền thống của người Thái

Theo phong tục Thái khi lập Mường ở vùng lãnh địa nào thì phải tôn thờ các yếu tố tâm linh ở vùng trời phạm vi lãnh địa đó để che chở bản mường được phồn vinh, sung túc và phát triển.

Đền là nơi chủ mường và các trưởng họ cởi áo buộc vào một cái cọc thiêng cắm vào nơi sẽ dựng Đền để thể hiện ý chí của con người thề quyết tâm xây bản, lập mường. Cái cọc đó người Thái gọi là "lắc xưa", Đền Chín gian goi là "lắc xưa mướng quý chủ", danh từ Đền là tiếng phổ thông còn tiếng Thái gọi là "lắc xưa" (cọc áo) hoặc còn gọi là "Sấn Mướng" - là nơi chiêu tập thu hút linh hồn các dòng họ. Với ý nghĩa đó nên khi thiết chế bản mường hội đồng mường cơ cấu như sau:

Đứng đầu mường là 02 vị: Tạo Mường (mang tính vương quyền); Mo Mường (phụ trách tâm linh). Hai vị này có uy thế ngang nhau, có khi uy linh của Mo Mường còn vượt trội hơn Tạo Mường. Hai vị này theo truyền thống người Thái chỉ được chọn cử hai dòng họ: Cháo Lướng ế mỏ, Cháo ló ế tạo( Họ Lương làm mo họ Lò làm Tạo)

Ngoài 02 vị trên Hội đồng mường còn có các vị: Chà Mường - phụ trách kinh tế; Làm Mường phụ trách xã hội - ngoại giao; Cải Mướng phụ trách An ninh.

Mường lớn như Mường Quý Chủ có cả hệ thống tổ chức đến tận thôn bản: mường Quý Chủ còn chứa đựng các mường nhỏ ở các địa phương, cấp mường đều có hội đồng mường, cấp dưới mường là cấp Pọng. Một mường có thể chia làm nhiều Pọng, một Pọng có thể từ 3 đến 5 bản tùy theo địa dư. ở bản lại có Hội đồng bản cơ cấu giống như Hội đồng mường. Hội đồng bản gồm có: Ông Nậu phụ trách thể chế; Ông Đăm phụ trách tâm linh "lắc xưa"; Ông Khoan phụ trách xã hội và hương ước; Cai bản phụ trách An ninh

Ông Nậu và ông Đăm đứng đầu bản nhưng không nhất thiết chọn cử 02 dòng họ Lò và họ Lướng mà chọn cử những người có thế lực và uy tín họ có đông người làm ăn cần cù, kinh tế vững đuợc mọi người mến phục.

Hội đồng mường quản lý xã hội bằng 02 yếu tố là luật và tục.

Luật tiếng Thái gọi là "khóng mướng", tục tiếng Thái gọi là hịt.

Người thái có câu "Hịt ban khóng mướng" - tục bản luật mường và câu "Hịt khóng xỏng chắn"- nghĩa là luật và tục là hai lớp sàng lọc và rèn đúc người đời trong xã hội bản mường người Thái.

Hai vị đứng đầu mường là Tạo Mường phụ trách thể chế: Mo Mường phụ trách tâm linh là nơi sản sinh ra phong tục tập quán của người Thái nhưng luật và tục luôn có sự hỗ trợ và gắn bó lẫn nhau.

II. Đền chín gian có tự bao giờ? Tại sao Đền chín gian có uy linh bao trùm một vùng rộng lớn như vậy?

1. Đền chín gian là Đền truyền thống người Thái mường quý chủ "tiếng Thái" tức Châu Quý ngày xưa. Như vậy người Thái có thể có mặt tại vùng đất này đã lâu, theo nhà dân tộc học giáo sư Đăng Nghiêm Vạn thì người Thái cổ ở Nghệ An từ thế kỷ XI nhưng lúc đó họ vẫn sống lẻ tẻ theo từng dòng họ "cốn mí họ, cọ mí đỏn" chỉ có khả năng lập "lắc xưa bản" hoặc các mường nhỏ lẻ chưa có một hội đồng mường. Đền Chín gian chỉ có lúc Châu Quý ra đời nên mới gọi là Đền mường quý chủ. Thế thì mường Quý Chủ có từ lúc nào tức Châu Quý có từ bao giờ?

Qua tra khảo các sách thông sử từ năm 1417 về trước thì các vùng đất thuộc Nghệ An không thấy có tên Châu Quỳ hoặc vùng Quỳ Châu

Theo sách "An nam lược chí" của Lê Tắc Viết "Diễn Châu" vốn thuộc quận Nhật Nam gọi là Phủ Diễn, Nhà Đường đổi tên là Diễn Châu. Năm 1415 thời thuộc Minh đặt Châu Quỳ hay Quỳ Châu bắt đầu có từ đó (Dư địa chí Phủ Quỳ (20 tr 105) của Ninh Viết Giao.

Đến năm 1417 Châu Quỳ lại lệ thuộc vào phủ Thanh Hóa (Tây Đô). Năm 1469 Lê Thánh Tông định lại Bản đồ cả nước, lúc đó Nghệ An có 8 phủ trong đó có cả phủ Quỳ Châu mà không gọi là Châu Quý nữa, phủ Quỳ Châu có 02 huyện Trung Sơn và Thúy Vân. Năm Minh Mệnh 12(1840) 7 tổng huyện Quỳnh Lưu và 01 tổng huyện Yên Thành lập thêm một huyện gọi là huyện Nghĩa Đường. Như vậy đến thời Nguyễn, Phủ Quỳ Châu có 03 huyện Thúy Vân, Trung Sơn và Nghĩa Đường. Về sau Trung Sơn đổi thành Quế Phong năm 1836, Nghĩa Đường đổi thành Nghĩa Đàn

Căn cứ vào địa giới hành chính của Phủ Quỳ Châu và thẩn Phả Đền Chín gian viết bằng chữ Thái về phạm vi phụ thuộc của mình là:

Táng nửa cà phắt cà sắm má khơ

Tang tơ cà con tỷ lệ quạt quành má hấu

Dịch: Bên trên" phía tây" từ Mường Phắt, Mường Sắm trở lại; bên dưới "phía Đông" từ hòn tỷ lệ quyét về ta

Mường Phắt, Mường Sắm thuộc tỉnh Hủa Phăn nước Lào; Hòn tỷ lệ là một hòn đá to ở giáp giới Anh Sơn và Đô Lương

Tại sao có Mường Phắt, Mường Sắm "theo Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch" Đời Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 10, cả nước ta có 12 thừa tuyên thì thừa tuyên thứ Nghệ An gồm có phần đất của 02 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay cùng với một số vùng ngoại biên là Khăm Muộn và Xiêng Khoảng của nước bạn Lào. Có lẽ vì thế cả Mường Phắt, Mường Sắm căn cứ vào di tích lịch sử trích dẫn trên để ta khẳng định chắc chắn Đền Chín gian là Đền Mường Quý Chủ, Đền truyền thống của người Thái toàn Phủ Quỳ lúc đó và Đền được thành lập từ năm Phủ Quỳ Châu ra đời (năm Minh Mệnh thứ 12 -1831).

III. Vì sao Đền Chín gian lại có một vị thế bao phủ rộng khắp một vùng rộng lớn cả Phủ Quỳ xa xưa.

Xét về lịch sử thì Tạo Mường Quý Chủ vừa là Tù Trưởng của Phủ Quỳ "Cầm Quý" có lẽ từ tên Quý này mà phiên âm thành Quỳ và Phủ Quỳ này mang tên ông Cầm Quý vì ông là người có công với nước trong việc chống giặc Minh. Theo cuốn “Đại Nam Nhất Thống Chí” thì vào thời thuộc Minh, vùng Phủ Quỳ có ông Cầm Quý làm Tù Trưởng cai quản ở đó. Khi Lê Lợi đem quân tiến vào Nghệ An, Cầm Quý đem toàn bộ dân binh ra nhập nghĩa quân (22 tr33). Lịch sử khởi nghĩa Lam Sơn còn ghi nhận công to lớn của Cầm Quỳ và đồng bào Thái Quỳ Châu (cũ) tham gia chiến đấu giải phóng Thành Trà Lân.

Trong cuốn “Đại Việt sử ký Toàn Thư” có ghi rằng khi giải phóng Thành Trà Lân xong Vua đã vỗ về an ủi các bộ tộc, khao thưởng các Tù Trưởng. Tuyển chọn lính tráng bổ sung quân ngũ được 500 người, thế quân càng thêm mạnh (52tr252) trong số 500 người đó chắc chắn đa số là người Thái. Theo cuốn “Nghệ An ký” của Bùi Dương Lịch có ghi rằng: Phủ Quỳ xưa thuộc đất Ban Nam của Tây Đô (Thanh Hóa) đầu thời Lê do Cầm Công làm Tù Trưởng Mường Tôn (32tr 202) Cầm Công là anh trai Cầm Quý.

Trong chế độ Bản Mường thì Tạo Mường và Mo Mường là hai vị đứng đầu, nhưng đến thời Minh Mệnh thứ 14 thì nhà Nguyễn đã xóa chế độ bản Mường ở vùng dân tộc. Hệ thống Phủ, huyện, Tống, Lý đến thôn bản. Lúc đó Tạo Mường không còn chức vị chính quyền nữa nhưng uy tín về tộc quyền vẫn còn. Quý tộc hạng thượng lúc bấy giờ gia tộc họ Tạo đảm nhận cả vị trí Mo Mường để điều hành công việc tế Lễ. Thời gian này vùng Phủ Quỳ lại có quan hệ sinh hoạt với một số vùng thuộc Xiêng Khoảng nước Lào. Bên Lào cũng sang tế Lễ Đền Chín gian và Đền Chín gian cũng bị ảnh hưởng chùa chiền đạo Phật ở Lào. Vì vậy, Tạo Mường được mệnh danh là Sư Tại Gia (Châu Hủa), có thời gian đã mời người Lào sang làm sư mẫu. Theo Thần Phả truyền lại một nhiệm kỳ sư là 12 năm, trong 12 năm đó bản mường được êm ả, thanh bình và sung túc thì nha sư được phong danh là “Kắm”(vàng) và tiếp tục được lưu giữ danh vị đó. Nhưng nếu chưa hết nhiệm kỳ mà bản Mường bất ổn, làm ăn khốn khó thì nhà sư đó phải được bầu lại nhưng người thay thế vẫn phải là người trong gia tộc họ Tạo. Tính đến năm 1945 thì các sư được phong lên chức vị “ Kắm ” gồm có:

- Kắm Sàng (Người Lào sang làm sàng mẫu)

- Kắm Sáng ( Người Lào sang làm mải)

- Kắm lán(1) ( Người Thái Lan sang làm mẫu)

- Kắm Lứ ( Người bản Xu, gia tộc họ Tao)

- Kắm Pình ( Người bản Xu, gia tộc họ Tao)

- Kắm Pinh ( Người bản Xu, gia tộc họ Tao)

- Kắm Cật ( Người bản Xu, gia tộc họ Tao)

- Kắm Tiển ( Người bản Xu, gia tộc họ Tao)

- Kắm Cần ( Người bản Xu, gia tộc họ Tao)

Và một số Châu hủa (Nhà sư) chưa hết nhiệm kỳ phải thôi:

- Châu Hủa (Sư) Ló Kắm Sinh ( Vị có năm sét đánh chết người nên phải thôi chức).

- Châu Hủa Đanh, Châu Hủa Đinh

Cuối cùng là Châu Hủa Thọ là người cuối cùng đến năm 1947.

* Kắm Lạn là người Băng Cốc Thái Lan được mời sang làm sư mẫu. Cùng với mẹ tên là Bà Ba Bảo. Bà Ba Bảo sang thời gian thì kết hôn với Tạo (đi bước nữa) người bản xứ và đẻ được Kắm Lứ. Kắm Lạn sau này được quyền cai quản vùng Châu Tiến hiện nay. Còn Kắm Lứ thì cai quản Mường Tôn (Vùng Châu Kim, Mường Nọc). Vì vậy sau cách mạng tháng 8 vùng Châu Tiến đặt là xã Kắm Lạn, vùng Châu Kim gọi là xã Kắm Lứ

Tuy có thời gian ảnh hưởng Phật Giáo nhưng chỉ địa vị người quản lý điều hành Đền là Sư, nhưng chỉ là Sư tại gia. Còn các hình thức tế và cơ cấu hệ thống từ Đền Mường Đến Bản vẫn giữ truyền thống là “Lắc Xưa”. Mường Lắc Xưa bản thờ phụng tổ tiên có công xây bản lập Mường.

IV. Phần kết

Đền Chín gian là đền truyền thống của người Thái Mường Quỳ Châu (Lắc Xưa Mướng) hay còn gọi là Sấn Mướng ( Đền là theo tiếng phổ thông).

Đền thờ những người có công xây bản lập Mường. Tạo Mường đứng ra lập Đền lại là người có công với nước, đưa dân binh ra nhập nghĩa quân Lê Lợi đánh thắng trận Bộ Đằng và tham gia giải phóng thành Trà Lân được nhà Vua vỗ về và khao thưởng (Đại Việt Sử ký toàn thư) Tạo Mường được phong lầm Tù Trưởng Phủ Quỳ đầu tiên đó là ông Càm Quý. Còn Cầm Công anh Cầm Quý giữ chức Tù Trưởng Mường Tôn nơi địa hình nhân kiệt này. Đền Chín gian đặt ở Mường Tôn ( Mường gốc theo tiếng Thái) vừa có vị thế về nhà nước vừa có uy linh thiêng liêng tỏa ra sức mạnh siêu nhiên bao phủ khắp cả một vùng trời rộng lớn che chở và cầu an cho người đời. Đền là biểu tượng tâm linh của người Thái và cũng là của các dân tộc chung sống ở Phủ Quỳ từ thủa xa xưa. Vì vậy có những năm tế đến 100 con Trâu là đại Lễ nhưng cũng là đại hội lớn nhất thu hút cả vùng Tây Nghệ An, Thanh Hóa và một số vùng của nước bạn Lào.

Về sau, Phủ Quỳ không tồn tại nữa phân về đơn vị huyện, phần Lễ có giảm xuống mỗi năm tế 20 con rồi xuống 9 con trâu một năm. Từ những năm Trung Sơn đổi thành Quế Phong mỗi năm thì còn tế 1 con Trâu do chín mường đóng góp tế lễ đó là các Mường sau:

1. Mường Tôn (chủ Lễ và Hội)

2. Mường Chừn

3. Mường Pắn

4. Mường Hín

5. Mường Phạ Quèn ( Châu Tiến)

6. Mường Miểng (Châu Hạnh + Châu Nga - Quỳ Châu)

7. Mường Chón (Châu Hoàn + Diên Lãm Châu Phong - Quỳ Châu)

8. Mường Puộc (Châu Bình - Quỳ Châu + Thông Thụ, Đồng Văn - Quế Phong)

9. Mường Quáng (Cắm Muộn, Quang Phong - Quế Phong)

Các kỳ tế Lễ của Đền: Mỗi năm tế 2 Kỳ

Kỳ tế chính vào tháng 2 Âm lịch gồm Lễ và Hội

Kỳ thứ 2: Tế gà do Mường Tôn đảm nhiệm, mỗi nhà một con gà và một gói xôi lên tế Đền. Còn các Mường, Bản khác tế Đền, Bản cúng ở nhà tổ chức ăn uống vui chơi tại Bản, sau lễ đó các bản Mường đều kiêng không được đánh Cồng chiêng, khua luống, thời gian kiêng là 7 ngày cho nên người ta thường nói ăn kiêng tiếng Thái gọi là Hâu cắm. Lễ này thường tổ chức vào 28 tháng 8 Âm lịch. Lễ này về sau được chuyển thành tết độc lập 2/9 hàng năm.

V. Đền Chín gian tác động đến đời sống kinh tế văn hóa - xã hội của các dân tộc như thế nào?

Đền Chín gian là trung tâm lễ hội của các dân tộc của cả một vùng rộng lớn. Vì vậy nó đã trở thành yếu tố thúc đẩy các mặt kinh tế, văn hóa và xã hội của các dân tộc đặc biệt là thức đẩy văn hóa đặc thù và bản sắc truyền thống của các dân tộc.

1. Văn hóa tâm linh: Đây là biểu tượng văn hóa tâm linh hay còn gọi là văn hóa niềm tin, là sức mạnh ý chí gửi gắm vào yếu tố siêu nhiên mặc dù những yếu tố đó "vô hư" mình không thấy nhưng vẫn khát khao và hy vọng, niềm tin hy vọng đó đã thôi thúc người đời vươn lên trong cuộc sống lao động, học tập và công tác.

Văn hóa niềm tin còn tu rèn con người sống đức độ chân chính trong xã hội, trong tình làng, nghĩa xóm ghi nhớ công đức của cội nguồn, sống có tôn ty trật tự, hạn chế lối sống thô bạo ngang ngược trong xã hội.

2. Văn hóa trang phục

Lễ hội đòi hỏi con người tạo ra cái ăn, cái mặc đặc biệt là cái mặc thể hiện bản sắc dân tộc vì vậy nghề diệt thổ cẩm, thêu thùa, các loại váy áo các dân tộc phát triển, các nghề truyền thống được khơi dậy và góp phần thu nhập kinh tế trong xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

3. Văn hóa lễ hội: Các điệu nhạc, điệu vũ dân gian được khơi dậy đặc biệt là hợp tấu cồng chiêng, khua luống, nhảy sạp âm vang náo nức tràn ngập một vùng, không gian lễ hội đặc thù của các dân tộc, các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, nhạc cụ thôi thúc tâm hồn con người lạc quan yêu cuộc sống, yêu bản mường.

4.Văn hóa ẩm thực: các món ăn ẩm thực của người Thái rất đa dạng mang đậm màu sắc núi rừng như: Bánh chưng đen, Canh ột, Cơm lam ( khâu lảm), cá nướng ( Pả Pinh), Chẻo, Phắc chụp ( nộm), Thịt giàng, thịt lợn đen, Xôi các màu...



Sưu tầm

Lô Khánh Xuyên - Lô Mai

THÔNG BÁO
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN QUẾ PHONG
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Quế Phong
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Văn Hiền - PCT UBND Huyện
Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quế Phong
Trụ sở: khối Tây Sơn, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An
Email: quephong@nghean.gov.vn