Hàng ngàn ha lúa Xuân 2025 ở Nghệ An có nguy cơ mất trắng
Nhìn từ
‘vựa lúa” Yên Thành
Nhiều ngày qua, bà con nông dân “vựa lúa” Yên Thành đang rất
chán nản, khi nhiều diện tích sản xuất lúa trong vụ Xuân 2025 xuất hiện tình trạng
lúa trổ không thoát, tỷ lệ lép hạt cao. Xóm 1 xã Vân Tụ (Yên Thành, Nghệ An) là
một ví dụ.
Bà con nông dân nơi đây như ngồi trên lửa, khi nhiều diện
tích lúa Xuân 2025 sau khi trổ đã xuất hiện tình trạng lép hạt, không kết hạt.
Theo nhiều hộ dân, được biết, tình trạng lép hạt xảy ra trên những thửa của giống
lúa Ngọc Nương 9.
Ông Phan Xuân Bảy, hộ dân trong xóm cho biết: Nhà ông sản
xuất 1.000m2 giống lúa Ngọc Nương 9, nhưng sau khi trổ thì hạt bị lép xanh rất
nhiều, đến hơn 80%.
Tương tự, ông Hồ Phi Danh nói như khóc trên đồng lúa:
"1.800m2 sản xuất giống lúa Ngọc Nương 9 của nhà tôi rứa là mất trắng rồi.
Mấy tháng chăm sóc, rồi tiền giống, tiền phân bón, thuốc trừ sâu… nay thành
công cốc".
Qua tổng hợp sơ bộ, toàn xóm 1 xã Vân Tụ có khoảng 17 hộ
dân tham gia sản xuất giống lúa Ngọc Nương 9, mua từ 1 đại lý đóng trên địa
bàn, với tổng diện tích gần 20.000m2 nhưng đã cho tỷ lệ lép hạt cao, trung bình
đến 70%.
Cũng tại huyện Yên Thành, ông Nguyễn Đình Chữ ở xã Đồng
Thành, cho biết: Nhà ông ưu tiên sử dụng giống An Nông 1424 với diện tích 1 mẫu,
đinh ninh giống mới cho năng suất cao, nào ngờ lại mất trắng. Gia đình xuống giống
đúng lịch thời vụ, chăm sóc theo quy trình nhưng khi lúa trổ thì xảy ra tình trạng
bông lép, không kết hạt.
Nhiều diện tích lúa Xuân 2025 ở xã Vân Tụ, huyện Yên Thành có tỉ lệ lép hạt cao
Vụ Xuân 2025, huyện Yên Thành gieo cấy trên 12.850ha. Ước
tính sơ bộ đến thời điểm này có khoảng 150ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó tỷ lệ
lép xanh phổ biến từ 30 - 50%, cá biệt có những diện tích lên đến 60 - 80%,
không có khả năng thu hoạch.
Theo ông Nguyễn Trọng Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ
nông nghiệp huyện Yên Thành, hầu hết các trà lúa, các giống lúa vụ Xuân 2025 trổ
không thoát, thời gian trổ kéo dài, không đều, thoái hóa đầu bông, tỷ lệ lép
xanh cao.
Nguyên nhân là do giai đoạn lúa phân hóa đòng và trổ bông
thời tiết lạnh kéo dài, ẩm độ không khí cao, ít ánh sáng, nhiệt độ ngày đêm
chênh lệch lớn, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây
lúa. Một số vùng xuống giống sớm hơn lịch thời vụ từ 15 - 20 ngày, cùng với việc
sử dụng các giống không đảm bảo, giống mẫn cảm với nhiệt độ thấp cũng góp phần
làm tăng mức độ thiệt hại.
Đánh giá tình trạng để có giải pháp kỹ thuật
Vụ Xuân 2025, toàn tỉnh Nghệ An gieo cấy trên 91.026ha
lúa; trong đó, có hơn 52.480ha lúa cấy, hơn 38.545ha lúa gieo thẳng. Qua tổng hợp
từ các địa phương, đã có trên 40.000ha lúa được người dân gieo, cấy trước khung
thời vụ đề án, nhiều diện tích sớm hơn khung thời vụ từ 10 - 15 ngày, thậm chí
một số vùng sớm hơn đến 25-30 ngày.
Hiện tại, nhiều trà lúa đã chín sớm, bà con nông dân đang
tiến hành thu hoạch, chuẩn bị sản xuất vụ kế tiếp. Tuy nhiên, nhiều diện tích
trổ sớm và cả trổ đúng vụ nhưng gặp thời tiết mưa rét, đã xuất hiện tình trạng
lúa trổ không thoát, thoái hóa đầu bông, tỷ lệ lép, không kết hạt.
Ông Nguyễn Đình Chữ ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành chán nản cày thửa ruộng bị lép hạt để sản xuất vụ mới
Với tình trạng thoái hóa đầu bông, gié hạt, xuất hiện tỷ lệ
cao ở một số giống như lúa lai Thái Xuyên 111, VT404, HYT100, An Nông 1424,
ADI 73, VT868, Syn 8, Syn 12, Syn 18, Dương ưu 612, LC25, Q.ưu 6, Thụy Hương
308; Lúa thuần như AYT 77, AC5, TBR225, Dự hương 8, Q5, … Qua kiểm tra đánh
giá cho thấy, những diện tích trổ trước 20/4, nhìn chung có mức độ thoái hóa
cao hơn các diện tích trổ sau 20/4/2025.
Với tình trạng lép xanh, không kết hạt cao xuất hiện nhiều
trên diện tích lúa trổ trước ngày 15/4/2025, đặc biệt trên những diện tích trổ
sớm trước 10/4/2025. Những diện tích lúa trổ từ sau 15 - 20/4/2025 thì tỷ lệ
lép xanh, không kết hạt ít hơn so với những diện tích lúa trổ trước
15/4/2025.
Những diện tích trổ sau 20/4 cơ bản lúa trỗ thoát nhanh, tỷ
lệ hạt lép thấp, ít bị ảnh hưởng năng suất. Tổng diện tích lúa có tỷ lệ lép
cao, là khoảng 2.736,28ha. Theo đó, huyện Diễn Châu có 1.925,79ha, Thái Hòa
305ha, Anh Sơn 193ha, Yên Thành 150ha, Nghi Lộc 6ha, Đô Lương 156,49ha.
Kết quả tổng hợp từ các địa phương cũng cho thấy, vụ
Xuân 2025 có 38 giống lúa (19 giống lúa lai, 19 giống lúa thuần) có một
số diện tích, vùng bị ảnh hưởng dẫn đến thoái hóa đầu bông nhiều, tỷ lệ hạt
lép cao hoặc không kết hạt. Trong hàng chục giống lúa nói trên, thì có 14
giống lúa ngoài cơ cấu của Đề án tổ chức sản xuất trồng trọt vụ
Xuân 2025 gồm: LC 25, Syn 12, Syn 18, C. ưu đa hệ 1, D. ưu 168, Khang dân 18,
Nếp A Sào, CS 04, Q5, Xuân ưu, Thái Hà, Ngọc Nương 9, KOJI, DT 82. Các giống
ngoài cơ cấu giống chưa được công nhận lưu hành tại Nghệ An gồm: D. ưu 168,
Thái Hà, Xuân ưu, Ngọc Nương 9.
Ngoài nguyên nhân kể trên thì, thời tiết diễn biến thất thường,
đặc biệt là trong thời gian lúa làm đòng và trổ bông cũng đã ảnh hưởng đến tỷ lệ
lép hạt, giảm năng suất. Chưa kể, nhiều vùng, bà con nông dân có tập quán sản
xuất sớm so với lịch thời vụ, nhiều vùng chưa tuân thủ cơ cấu giống của tỉnh,
đưa các giống chưa được theo dõi, đánh giá kỹ tính thích ứng vào sản xuất…,
là những nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng lúa trổ không thoát, thoái
hóa đầu bông, tỷ lệ lép, không kết hạt.
Liên quan đến tình trạng này, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và
Môi trường Nghệ An cho biết, sẽ sớm tổ chức hội thảo chuyên đề với sự tham gia
của các chuyên gia trong ngành, các nhà khoa học nhằm phân tích, đánh giá toàn
diện tình trạng trên. "Kết luận từ hội thảo sẽ là cơ sở để ngành Nông nghiệp
Nghệ An đưa ra những khuyến cáo, giải pháp kỹ thuật phù hợp nhằm hướng đến những
kết quả tích cực cho các vụ sản xuất tiếp theo", vị lãnh đạo Sở Nông nghiệp
và Môi trường Nghệ An thông tin.