Huyện Quế Phong quyết tâm hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/7.
Chuyện xóa nhà
tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng biên giới này là một minh chứng
về lòng nhân ái, sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân, cùng thắp lên ngọn lửa
hy vọng về một cuộc sống đủ đầy nơivùng đất còn nhiều gian khó.
Tháng 5, nắng
như đổ lửa khắp các triền núi phía tây tỉnh Nghệ An. Vượt hơn 200 km từ thành
phố Vinh, qua những khúc cua hiểm trở trên tuyến Quốc lộ 48, chúng tôi có mặt tại
xã Tri Lễ, nơi giáp với nước bạn Lào. Trên những con đường ngoằn ngoèo ôm lưng
đồi,thi thoảng lại bắt gặp hình ảnh mồ hôi thấm ướt lưng áo những người thợ
xây, chiến sĩ biên phòng, đoàn viên, thanh niên đang miệt mài xây dựng nhữngngôi
nhà vững chãi.
Bên căn nhà vừa
mới hoàn thành ở bản Cắm, anh Lô Văn Chương xúc động nói: “Suốt mấy chục năm
qua, gia đình sống trong căn nhà tạm, vào mùa mưa nước dột ướt cả giường chiếu.
Tôi từng nghĩ, đến chết chắc cũng không có nổi căn nhà gạch. Ai ngờ năm nay, được
sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con trong bản, tôi có nhà mới rồi”.
Giữa bản nghèo
Liên Hợp, anh Vi Văn Thiết đầy cảm kích khi nhận chìa khóa ngôi nhà mới từ tay
cán bộ xã. “Mình không biết nói gì hơn ngoài hai chữ biết ơn. Từ nay gia đình sẽ
không còn phải co ro vào mùa đông mỗi khi gió lùa qua khe cửa”- anh Thiết nói.
Cách xã Tri Lễ
chừng 40 km, xã Tiền Phong là một trong những địa phương khó khăn của huyện Quế
Phong. Bên cạnh hai đứa con, chị Vi Thị Cáng, ở bản Phương Tiến 1, nhìn căn nhà
đang thi công với ánh mắt tràn đầy hy vọng. Chị tâm sự: “Trước kia, mưa xuống
là phải lấy thau hứng nước trong nhà. Nay nhà mới đang hoàn thiện từng ngày,
lòng tôi thấy ấm áp lắm. Từ nay đến mùa mưa bão mẹ con tôi chẳng còn phải lo lắng
thức trắng đêm”.
Không chỉ gia
đình anh Chương, anh Thiết, chị Cáng có nhà mới, mà hàng trăm hộ dân ở các xã
biên giới như: Hạnh Dịch, Tri Lễ, Thông Thụ, Nậm Giải... đang chứng kiến những
điều tưởng chừng như không thể-những ngôi nhà kiên cố mọc lên ngay chính nơi mà
trước đó chỉ là những mái nhà xiêu vẹo.Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tri
Lễ Lô Văn Thuận cho biết, xã Tri Lễ là địa phương có số nhà tạm, nhà dột nát cần
sửa chữa, xây mới nhiều nhất huyện với 458 căn nhà.
Là địa bàn vùng
sâu, vùng xa, biên giới, xã đã có những phương án tối ưu để hoàn thành chỉ
tiêu. Xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm xóa nhà tạm,
nhà dột nát cho người dân trước mùa mưa bão. Quá trình tháo dỡ, vận chuyển vật
liệu để xây nhà đều được nhân dân nhiệt tình tham gia, đóng góp ngày công. Xã
cũng đã kết nối các nhà hảo tâm để hỗ trợ các gia đình thông qua các trang mạng
xã hội.
Ngoài ra, đối với
các hộ nghèo, nhất là đối với những hộ quá khó khăn, không có khả năng tài
chính đối ứng, chính quyền địa phương lấy uy tín của mình để đứng ra ghi nợ vật
liệu tại các cửa hàng cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn. Sau khi công
trình hoàn thành, các hộ chỉ việc nhận nhà, gọi là hình thức “chìa khóa trao
tay”. Quế Phong là huyện miền núi nghèo 30a biên giới phía tây bắc của tỉnh Nghệ
An, nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện còn nhiều
khó khăn, số nhà tạm trên địa bàn còn khá nhiều.
Vì vậy, chiến dịch
xóa nhà tạm ở huyện không chỉ là công việc của riêng chính quyền địa phương mà
còn là cuộc vận động lớn, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhờ đẩy
nhanh tiến độ, chương trình xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình
người có công gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả
tích cực. Với nhiều cách làm hay, linh hoạt, hiệu quả, sáng tạo, đến đầu tháng
5, toàn huyện đã hoàn thành, bàn giao 1.892/2.191 nhà tạm, nhà dột nát cho các
hộ nghèo, cận nghèo (đạt 86,35%); đang triển khai thi công 299 nhà.
Huyện quyết tâm
hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và
gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 trước ngày
31/7.Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, địa phương cũng gặp một số khó
khăn. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Quế Phong Hà Ngọc Thi chia sẻ: Là
huyện 30a, có ít doanh nghiệp, do đó việc vận động, huy động kinh phí để hỗ trợ
so với đăng ký chưa cao; các hộ dân thật sự khó khăn không có khả năng đối ứng.
Một số gia đình cần xóa nhà tạm, nhà dột nát nhưng chưa bảo đảm điều kiện về
quyền sử dụng đất. Ngoài ra, người dân còn nặng nề quan niệm chọn ngày, tháng để
xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Một số hộ nghèo
vẫn còn tư tưởng lười lao động, trông chờ vàochính sách của Nhà nước, không có
ý chí vươn lên thoát nghèo, thường xuyên thay đổi nhu cầu hỗ trợ theo từng đợt
rà soát gây khó khăn trong việc tổng hợp và phân bổ hỗ trợ. Chủ tịch Ủy ban
nhân dân huyện Quế Phong Cao Minh Tú tâm sự: Huyện xác định việc xóa nhà tạm
không đơn thuần là chỉ tiêu, mà còn là trách nhiệm, là tình cảm để xây dựng thế
trận lòng dân nơi biên giới. Mỗi căn nhà mới là một cột mốc tình người.
Phong trào xóa
nhà tạm, nhà dột nát ở huyện biên giới Quế Phong không chỉ là cuộc chạy đua với
thời tiết, với núi non hiểm trở, mà là hành trình dựng lên những mái nhà ấm
lòng người. Đây không chỉ là nơi che nắng, trú mưa mà còn là biểu tượng của niềm
tin về tương lai tươi sáng hơn. Khi người dân có chỗ ở ổn định, trẻ nhỏ mới yên
tâm đến trường, người lớn an lòng làm nương rẫy.
"Mỗi căn
nhà mới mọc lên trên triền núi đã khẳng định rằng dù ở nơi biên cương xa xôi nhất,
Đảng và Nhà nước vẫn không để ai bị bỏ lại phía sau”, đồng chí Cao Minh Tú chia
sẻ. Tính đến ngày 9/5/2025, tỉnh Nghệ An đã hoàn thành xây dựng, sửa chữa
16.202 căn nhà từ các chương trình, đạt 76,51% nhu cầu với tổng kinh phí giải
ngân hơn 967 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước 354,13 tỷ đồng, xã hội hóa
hơn 220 tỷ đồng, nguồn gia đình, họ tộc, làng xóm hỗ trợ 393 tỷ đồng.
Hiện nay, tỉnh
Nghệ An còn 4.974 căn (xây mới 3.013 căn, sửa chữa 1.961 căn).Mặc dù vẫn còn
nhiều khó khăn, nhất là khi các hộ còn lại chủ yếu thuộc diện đặc biệt khó
khăn, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa hoặc tạm vắng do đi làm ăn xa, số nhà cần
thực hiện hỗ trợ cho người có công với cách mạng còn tương đối lớn..., song với
quyết tâm cao nhất, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đang dồn sức triển khai
nhiệm vụ, đặt mục tiêu hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trước
ngày 31/7/2025, sớm hơn 90 ngày so với kế hoạch Trung ương.